Màn hình |
TFT LCD 6.51"HD+ |
---|---|
Hệ điều hành |
Android 12 |
Camera sau |
Chính 50 MP & Phụ 2 MP |
Camera trước |
8 MP |
Chip |
Unisoc T606 |
RAM |
3 GB |
Dung lượng lưu trữ |
32 GB |
SIM |
2 Nano SIM, Hỗ trợ 4G |
Pin, Sạc |
5000 mAh 10 W |
Thiết kế phổ thông phù hợp với mọi lứa tuổi
Nokia G11 Plus có một kiểu dáng theo mình là khá quen thuộc bởi máy có nét tương đồng với một số mẫu điện thoại Nokia dòng G và dòng C được ra mắt trong năm 2022.
Mình cảm thấy khá thích thú khi hãng bố trí vùng cảm biến vân tay của G11 Plus nằm ở phần mặt lưng, nó giúp mình có thể mở khóa điện thoại nhanh chóng và nhờ vùng này được làm với diện tích lớn nên độ chính xác là cực kỳ cao, cảm giác như mất chưa tới 1 giây là mình đã có thể kích hoạt được thiết bị.
Điều mà mình vẫn chưa thực sự "ưng" trên G11 Plus là cách hãng bố trí cụm loa ngoài, thay vì đặt chúng ở các cạnh viền thì lần này hãng lại để nó ở phần mặt lưng. Mỗi khi đặt máy lên mặt phẳng thì điều này lại vô tình che đi cụm loa, vậy nên âm thanh không được phát tán đều vào không gian.
Bởi máy được định hình là một sản phẩm giá rẻ nên màn hình của máy vẫn thiết kế theo kiểu giọt nước, viền màn hình xung quanh thì sẽ được làm đều và phần cằm sẽ hơi dày hơn và chứa logo của hãng.
Về tổng quan thì kiểu thiết kế màn hình này vẫn mang lại cho mình trải nghiệm tốt, phần giọt nước cũng không chiếm quá nhiều diện tích nên khi xem phim thì mình cũng cảm thấy khá thoải mái bởi nội dung bị che đi là không quá đáng kể.
Một điểm hay ho tiếp theo là về phần thiết kế và cách hoàn thiện mặt lưng theo dạng vân nổi, nó vừa tăng độ thẩm mỹ nhưng đồng thời cũng giúp cho máy tăng thêm độ bám mỗi khi sử dụng. Và đặc biệt hơn hết là nó không hề bám dấu vân tay.
Hiển thị nội dung tốt hơn trên một không gian lớn
Ở mẫu điện thoại này hãng đã trang bị tấm nền TFT LCD, theo mình thấy thì hình ảnh mà máy cho ra có độ sáng tương đối cao, màu sắc thì trung thực và góc nhìn rộng. Điểm mà mình thấy chưa tốt lắm trên G11 Plus là hình ảnh tái hiện chưa được tươi, bật độ sáng lên tối đa thì thấy xảy ra tình trạng ám xanh.
Bởi màn hình có độ phân giải HD+ (720 x 1600 Pixels) và được đặt trên tấm nền có kích thước 6.51 inch, vì thế mật độ điểm ảnh cho ra sẽ không quá cao và làm cho nội dung hiển thị chưa được xuất sắc. Tuy nhiên đối với một chiếc thoại giá rẻ thì đây là một điều chấp nhận được, nó vẫn đủ tốt để mình có thể xem phim, đọc báo hay lướt web.
Ưu điểm lớn nhất trên chiếc Nokia G11 Plus có lẽ là tần số quét, sẽ không còn 60 Hz như trên những đời trước mà thay vào đó là 90 Hz siêu mượt mà, cử chỉ cuộn/lướt mà mình thường thao tác giờ đây đã được phản hồi nhanh hơn, mượt hơn.
Lưu giữ mọi khoảnh khắc thông qua camera 50 MP
Nokia G11 Plus được trang bị bộ hai ống kính trong đó có camera chính đạt độ phân giải lên tới 50 MP, vậy nên ta hoàn toàn có thể chụp được những bức ảnh với độ chi tiết siêu cao để phục vụ cho việc in ấn hay bổ trợ cho việc hậu kỳ về sau.
Như ở bức hình mình có chụp qua ở môi trường có hạn chế về ánh sáng thì chất lượng ảnh cho ra vẫn khá tốt, mọi chi tiết đều được thu lại một cách rõ ràng để mình có thể cắt bức ảnh thành nhiều khung hình nhỏ khác nhau nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng.
Còn khi chụp ngược sáng thì kết quả cho ra cũng hết sức ấn tượng, phần lớn các chi tiết trước khung cảnh đều được tái hiện rõ và dễ nhìn, những khu vực quá tối thì máy sẽ tự động khử các hạt nhiễu để giúp bức ảnh mình chụp có chất lượng tốt hơn.
Chiếc điện thoại Android này được tích hợp bộ xử lý trung tâm Unisoc T606 với hiệu suất tối đa là 1.6 GHz, điểm đánh giá hiệu năng thông qua phần mềm thì máy chỉ đạt khoảng 306 (đơn nhân), 1213 (đa nhân) trên Benchmark và 7186 trên PCMark, con số này vừa đủ trên một chiếc máy phục vụ chủ yếu cho việc liên lạc hay xem phim.
Ngoài ra thì mình còn thử sức Nokia G11 Plus qua một vài tựa game phổ biến để xem giới hạn thực sự về hiệu năng của máy tới đâu, tựa game mà mình có chơi qua là PUBG Mobile ở mức đồ họa mượt và tốc độ khung hình cao, trải nghiệm mà mình nhận được là máy khá giật, biên độ dao động FPS thường xuyên thay đổi và con số trung bình đạt được là 29.9 FPS.
*Cài đặt cấu hình game
*Bảng tốc đo tốc độ khung hình
Ngoài ra thì đây còn là mẫu điện thoại RAM 3 GB nên về phần xử lý đa nhiệm sẽ hơi hạn chế một chút, khi mình mở cùng lúc khoảng 4 - 5 ứng dụng thì máy bắt đầu xuất hiện hiện tượng load chậm mỗi khi mình chuyển đổi. Vậy nên để có được trải nghiệm tốt nhất thì người dùng nên thường xuyên tắt các phần mềm không dùng tới, điều này giúp tiết kiệm bộ nhớ RAM.
Viên pin đáp ứng đủ cho một ngày sử dụng
Điện thoại có mức dung lượng pin tối đa là 5000 mAh nên máy hoàn toàn đủ sức để duy trì thời gian dùng của mình cho đến hết ngày mà không cần cắm sạc, vào những hôm mình chỉ dùng máy để nghe gọi và trả lời tin nhắn thì điện thoại còn có thể kéo dài việc sử dụng của mình cho đến 2 ngày.
Bên cạnh ưu điểm về viên pin khủng thì khả năng sạc là một hạn chế khi máy chỉ hỗ trợ công suất sạc tối đa là 10 W, vậy nên mình thường chọn cách sạc điện thoại vào ban đêm để tránh mất nhiều thời gian chờ đợi, chỉ cần nghỉ ngơi đến sáng hôm sau và rút sạc ra là đã có ngay một chiếc điện thoại với 100% pin.
Với những nhu cầu cơ bản về nghe gọi hay xem phim thì Nokia G11 Plus là một sự lựa chọn rất đáng quan tâm ở phân khúc giá rẻ, vừa hỗ trợ camera 50 MP, màn hình hình kích thước lớn cùng viên pin trâu để bạn thỏa thích sử dụng cả ngày mà không cần cắm sạc.